Phương pháp này sẽ làm các bức tường trở nên khoẻ hơn và nhiều chức năng hơn. Nó còn giúp giảm lãng phí trong xây dựng, tiết kiệm nhân lực và tạo khả năng sáng tạo về hình thức của các toà nhà. "Đôi khi thẳng đứng không phải là hình thức đẹp nhất. Bạn có thể xây hình dẹt hoặc hình cong mà không bị tốn kém hơn", tiến sĩ Richard Buswell, giảng viên kỹ thuật xây dựng tại Đại học Loughborough, Australia, phát biểu. Buswell và nhóm đã bắt đầu dự án kéo dài 4 năm để xây dựng một cỗ máy in có kích thước 4x5m. Họ mượn kỹ thuật từ quy trình rập khuôn tốc độ để sản xuất ra các sản phẩm gốm, polymer và kim loại.
Trong phương pháp này, các sản phẩm được vẽ và phát triển nhờ phần mềm vi tính 3D.
Một cỗ máy sẽ tạo từng lớp bằng vật liệu như giấy, chất lỏng, bột hoặc thạch cao.
Các lớp này sẽ được gắn chặt với nhau, đôi khi bằng laser, để tạo nên hình dáng hoàn chỉnh.
Còn đối với xây dựng tường, các vật liệu được sử dụng bao gồm xi măng, đất sét, thạch cao hoặc vôi.
Chiếc máy sẽ phun ra vật liệu lỏng giống như tuýp kem đánh răng hoặc hoạt động như chiếc máy in cỡ lớn gắn các giọt vật liệu vào vị trí chính xác.
Vật liệu sẽ được cấu tạo sao cho cứng lại trong không khí mà không cần laser để gắn kết các khối với nhau.
Nhờ thế, người thiết kế có thể gắn các yếu tố vào bức tường mà không phải xây dựng riêng biệt.
Chẳng hạn bức tường sẽ có chỗ hổng để gắn cửa ra vào và cửa sổ.
Bức tường cũng có thể xây theo kiểu tổ ong để cách nhiệt. Hoặc nó chứa những khoang để luồn đường ống hoặc dây diện.
Hệ thống sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức lao động đáng kể.
Nhưng có vẻ nó chưa đủ thuyết phục ngành công nghiệp xây dựng.
"Ngành công nghiệp xây dựng đã có bề dày lịch sử từ lâu. Công nghệ mới phải thực sự có tính cách mạng triệt để, nếu không các công ty sẽ không chịu rủi ro. Họ vẫn sẽ làm cách mà họ đã và đang làm", chuyên gia tư vấn Terry Wohlers tại Mỹ nói.
Trong vòng bốn năm tới, Buswell và nhóm của mình sẽ cho ra máy in và một bức tường để minh chứng cho ý tưởng của mình.
Theo ABC Online, VnExpress